Lý do không nên thần thành hóa việc học tiếng anh

Có một thực tế ở Việt Nam, việc giỏi Tiếng Anh được xem là một điều thần thánh, một điều đáng để ngưỡng mộ. Tuy nhiên, điều này là “lạ” nếu đem so sánh với thần tượng đối với nhiều người ở những nền văn hóa khác, khi họ thần tượng các doanh nhân thành đạt, ca sĩ, diễn viên… Việc thần tượng như vậy không có gì là sai. Bởi họ là những người làm được điều khiến chúng ta ngưỡng mộ. Họ truyền tải cảm hứng để chúng ta thực hiện được mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, Tiếng Anh chỉ đơn thuần là bước khởi đầu đầu tiên, sau đó mình còn rất nhiều thứ khác cần phải đạt được.

 

Lấy ví dụ về một số nhân vật nổi tiếng mà nhiều người biết đến. Như Greta Thunberg, một cô gái Thụy Điển với tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề biến đổi khí hậu. Greta trở nên rất nổi tiếng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, có một khía cạnh mà ít người để ý đến, việc Greta nói Tiếng Anh – một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ – rất chuẩn, rất trôi chảy, gần như một người bản xứ dù chỉ mới 16 tuổi. Song, cái mà thế giới thực sự quan tâm đến không phải việc em nói Tiếng Anh mà là thông điệp mạnh mẽ em mang đến về việc biến đổi khí hậu và môi trường. Một nhân vật khác là Albert Einstein – nhà vật lý, cha đẻ của thuyết tương đối. Ông chỉ học Tiếng Anh sau này để nhập cư sang Mỹ và nói Tiếng Anh với giọng Đức rất nặng và khó nghe. Tuy nhiên, người ta nhớ đến ông bởi những đóng góp cho vật lý chứ không phải khả năng Tiếng Anh.

 

Tóm lại, bài học rút ra ở đây là việc nhân loại nhớ đến một người, không phải bởi khả năng Tiếng Anh của họ. Đó là bởi vì những đóng góp của họ trong các lĩnh vực khác. Người ta chỉ coi Tiếng Anh là công cụ để giao tiếp và phục vụ sự nghiệp cá nhân.

 

Vậy tại sao ở Việt Nam lại có quan niệm ngược đời như vậy? Đó là bởi hệ thống giáo dục Tiếng Anh trong các trường phổ thông ở Việt Nam là một thất bại. Qua 12 năm học, những gì có thể nhận được chỉ là việc học vẹt, học ngữ pháp, chia động từ ở dạng đúng chứ không được luyện nói hay phát âm cẩn thận. Thêm vào đó, trên thị trường tồn tại rất nhiều cuốn sách, giáo trình về kỹ năng học Tiếng Anh, bí kíp Tiếng Anh… Nó khiến chúng ta cảm thấy bối rối. Nó tạo cho chúng ta tư duy rằng Tiếng Anh là một thứ gì đó bí hiểm, cần phương pháp thần kì để đạt được.

 

Tóm lại, điều quan trọng nhất cần phải nhớ là Tiếng Anh chỉ là một công cụ, một bước khởi đầu. Đừng nên quá thần thánh hóa Tiếng Anh, đừng coi việc thạo Tiếng Anh là một thành tựu ghê gớm. Nên dành từ 1 năm đến 1 năm rưỡi để tập trung học Tiếng Anh, đạt được trình độ là 6.5 hoặc B2. Khi đã qua được bước đó thì hãy dành thời gian để tập trung những bước khác trong cuộc sống.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *